Tam Đảo – Chốn bồng lai tiên cảnh níu chân bao kẻ lữ hành

Trang chủ Thông tin du lịch
Tam Đảo – Chốn bồng lai tiên cảnh níu chân bao kẻ lữ hành
Điểm đến du lịch cho mùa hè, điểm đến với tiết trời mát lạnh ở ngay cạnh thủ đô Hà Nội mà đỉnh điểm của đợt nóng nhất là bạn có thể mang chảo ra rán trứng ngoài mặt đường. Đó chính là Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Tam Đảo bị bao phủ bởi sương mù
Chỉ cách Hà Nội có 80 km, nhưng dường như Tam Đảo là một thế giới nằm ở đâu đó cách rất xa so với thủ đô. Không ồn ảo, không nóng bức, không hối hả. Cuộc sống nơi đây cứ dễ chịu như chính thời tiết vậy. 
Khoác một chiếc áo mỏng, hít hà hơi lạnh đê mê vào buổi sáng, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, lâng lâng, thư thái khi khám phá mảnh đất xinh đẹp này.
Khu du lịch Tam Đảo có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 18-25 độ C, với 4 mùa rõ rệt trong ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa có chút nắng ấm của mùa hạ, buổi chiều là cái tiết trời mát mẻ của mùa thu, còn buổi tối là cái lạnh giá của mùa đông.
Giữa mây trời phủ kín, núi non luôn có một màu huyền ảo của mây trắng, Tam Đảo hiện lên với phong cảnh hùng vĩ, nên thơ, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Có nhiều người chưa đến đây vẫn còn thắc mắc, tại sao lại gọi là Tam Đảo mà không phải là một cái tên khác? Hay cái tên Tam Đảo có ý nghĩa gì? Nếu đến đây rồi bạn sẽ hiểu cái tên Tam Đảo có được là do ba ngọn núi cao Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa nhô lên trên mây, đứng hiên ngang giữa đất trời như ba hòn đảo.
Tam Đảo được người Pháp phát hiện và quy hoạch thành khu nghỉ mát từ năm 1904. Đến năm 1940, Tam Đảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 toà nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy, trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo rất nhiều kiểu cách độc đáo khác nhau. Theo thời gian, chúng đã bị chiến tranh và bàn tay con người tàn phá. Nhiều công trình kiến trúc đẹp giờ chỉ còn lại trong dĩ vãng của những người lớn tuổi và trong những bức hình tư liệu.
Một quán café Tam Đảo
Khu du lịch nhỏ bé, xinh xinh với những con đường quanh co, uốn lượn tựa như một bức tranh được vẽ lên giữa khung cảnh trời mây huyền bí. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một khung cảnh tuyệt vời, một điểm đến vừa thơ mộng, nhưng có một chút gì đó u tịch, kì bí. Đến đây một kẻ lữ hành sẽ tạm thời quên đi những vụn vặt của cuộc sống để hoà mình vào cái khí hậu mát mẻ đến dễ chịu, cùng với cảnh mây trời núi non hùng vĩ, lắng nghe tiếng gió, tiếng đất trời đâu đây, phiêu mình đắm đuối.
Đứng trên Cổng Trời hay Bãi Đá, nhìn xuống thị trấn Tam Đảo hiện ra mờ mờ ảo ảo trong những làn sương, lòng ta bỗng dịu dàng và cảm nhận một chút gì đó tươi mới hơn. Mây mù quấn quít quanh người, những cơn gió từ cánh rừng thông xanh mơn mởn có thể làm bạn thấy lạnh hơn giữa ngày hè nóng bức. Sau khi leo bộ lên 1.400 bậc đá đứng trên đỉnh Thiên Nhị, dưới chân ngọn tháp truyền hình cao hơn 100m và rồi gội rửa đi những ưu tư, phiền muộn trước dòng Thác Bạc Tam Đảo làm lòng người dịu mát như vừa được uống một người nước tinh khiết như ban mai. Nếu bạn không có thời gian để leo lên đỉnh Thiên Nhị, Bạn hãy leo lên đền bà chúa Thượng Ngàn với gần 200 bậc đá. Ngôi đền này là nơi lưu giữ truyền thuyết đẹp về người con gái xinh đẹp đã có công chống giặc Ân đến cướp phá nước ta.
Nhà thờ cổ Tam Đảo
Nếu bạn muốn khám phá những ngôi thánh đường, bạn có thể đến nhà thờ cổ Tam Đảo, nơi đây được xây dựng vào năm 1937. Đứng ở đây bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên Tam Đảo rất đẹp, nên thơ và thấy một chút gì đó hoài cổ về những năm tháng xa xưa.
Tam Đảo còn nổi tiếng với những quả mận, đào to, ngon và đẹp.  Su su cũng đã trở thành đặc sản ở đây, ngọn cây được chế biến như rau bí, mùi vị thanh mát tuyệt ngon. Mỗi cây thu hoạch tới cả tạ quả, vòng đời tới vài ba năm; hết mùa, chặt gốc lại lên tiếp. Ngoài ra Tam Đảo còn được biết đến với rượu sâu Chít, vị thuốc đông y quý giá sánh ngang với Đông trùng hạ thảo.
Chia tay Tam Đảo hẳn sẽ để lại cho bạn một chút lưu luyến, những dư vị của núi rừng, của thiên nhiên, và hẳn sẽ ước ao một lần quay lại, chìm đắm trong cảnh sắc mây trời núi non.
Nguồn ảnh: Internet
 

Hỗ trợ trực tuyến